Site icon MKSPORTS

Khối bê tông 10 người của Arsenal và một Man City quá trung thành với triết lý

arsenal 11

Tấm thẻ đỏ cuối hiệp một của Leandro Trossard đã khiến phần còn lại trong cuộc đấu hứa hẹn nhất Premier League cuối tuần qua giữa Man City và Arsenal trở nên một chiều, như một vòng tuần hoàn, cho đến khi John Stones ghi bàn gỡ hòa 2-2 chung cuộc ở những thời khắc cuối cùng.

Trước tiên, cần phải nói rằng những gì diễn ra trong hiệp hai tại Etihad không có quá nhiều chi tiết để bàn về mặt chiến thuật. Bởi với việc Arsenal chỉ còn 10 người trên sân, đội khách đã lựa chọn chơi đổ bê tông phòng ngự lùi sâu, từ bỏ hoàn toàn việc pressing tầm cao hay triển khai bóng tuần tự từ tuyến dưới để tấn công, nhường quyền kiểm soát bóng cho City và chấp nhận bị ghì đội hình xuống thấp nhất có thể.

Đó là một viễn cảnh mà không một CĐV trung lập nào muốn được chứng kiến, đối với trận đấu mà trong những năm gần đây trở thành cuộc thư hùng mang tính chất quan trọng trong cuộc đua vô địch Premier League. Ngay cả bản thân Mikel Arteta cũng không muốn vậy, như những gì ông chia sẻ sau đó khi nhắc kèm tình huống Trossard phải nhận thẻ vàng thứ hai: 

“Chúng tôi đã chơi hiệu quả hơn và dẫn trước 2-1. Nhưng sau đó là hai tình huống tương tự nhau, và một trong số ấy lại có kết cục hoàn toàn khác biệt. Điều này dẫn tới một trận đấu mà chẳng một ai còn hứng thú xem tiếp. Quá rõ ràng và dễ hiểu! Hy vọng rằng đa phần mọi người cũng cảm thấy thế. Công việc của tôi không phải là đến đây và đánh giá những gì đã diễn ra.

“Thay vào đó, là tìm cách sống sót trong môi trường đầy thách thức mà bóng đá mang tới trong vòng 55 phút (phải chơi cả hiệp hai trong cảnh mất người). Chúng tôi đã cố gắng để sống sót. Đó mới là công việc của tôi, phần còn lại thì không. Đây đã là lần thứ hai chuyện này xảy ra sau 5 vòng đấu đầu tiên của Arsenal, điều này thật sự, thật sự rất đáng lo. Tôi tự hỏi liệu chúng ta có còn muốn xem một Premier League hấp dẫn nhất hay không.”

Arsenal – Từ 4-4-2 thành 5-4-0 và 6-3-0

Arteta đã nói về việc “sống sót”, hay nói cách khác là tìm cách bảo toàn tỷ số 2-1 có được sau hiệp đấu đầu tiên, trong chính xác 54 phút ở hiệp hai với bối cảnh chỉ còn có 10 người. Và dù City cuối cùng cũng gỡ hòa 2-2 ở phút 97, màn trình diễn ở mặt trận phòng ngự của thầy trò Arteta, vẫn xứng đáng được đề cao.

Cả hiệp hai, City tạo ra tổng cộng 28 cú dứt điểm, song chỉ có 9 cú dứt điểm đi trúng đích và giá trị bàn thắng kỳ vọng không cao – chỉ 1,40. David Raya có lẽ đã chơi không thể xuất sắc hơn với 8 pha cứu thua. Nhưng đến cú dứt điểm trúng đích thứ 9 của City, Stones đã làm mành lưới của thủ thành người Tây Ban Nha phải rung lên.

Cần phải đề cập đến những phát biểu ngay trước trận của Pep Guardiola về khía cạnh không bóng, tức phòng ngự của Arsenal:

“Khi chúng tôi có thể ghì đội hình Arsenal xuống thấp, họ lại quá mạnh trong khâu phòng ngự, tập trung rất đông cầu thủ. Họ làm những thứ mà bóng đá hiện đại có vẻ đã quên đi, đó là họ vừa theo kèm các tiền đạo, vừa theo kèm tiền vệ trụ của chúng tôi. Nghĩa là bóp chặt không gian giữa các tuyến, tương tự như Inter mới đây đã làm trước chúng tôi.” 

“Arsenal phòng ngự rất tốt các khoảng trống. Họ phòng ngự cực gắt ở những không gian giữa các nhóm cầu thủ (ngách/channel) bằng những máy chạy, họ bố trí người để bịt chặt trung lộ. Saliba và Gabriel thì cực kỳ tập trung theo kèm Erling suốt cả trận. Thế nên Erling không còn 1v1 nữa, mà lúc nào cũng rơi vào cảnh 1v2, có khi là 1v3. Họ có thể chống đỡ và phòng ngự lùi sâu trong thời gian dài. Do đó, rất khó tấn công trước Arsenal.”

“Nếu không lầm thì trong năm 2024, Arsenal chưa thua sân khách trận nào. Hình như họ chỉ hòa 1 trận, trước chúng tôi, còn lại thì đều giành chiến thắng. Không chỉ là phong độ qua một hay hai trận đấu, Arsenal vững chắc, ổn định trong tất cả các trận đấu. Họ không để bị thủng lưới nhiều bàn, họ không cho đối phương tạo ra được nhiều cơ hội ăn bàn.”

Ngoại trừ bàn thua trong hiệp một, đó chính là những gì xuyên suốt trận đấu Arsenal đã triển khai. Đổ bê tông chỉ là một cách nói, để khối bê tông ấy chắc chắn và không bị xuyên thủng, đôi khi là cả một nghệ thuật và bao giọt mồ hôi trên thao trường.

Khi còn đầy đủ quân số, Arsenal hay rất nhiều đội bóng lớn nào khác ở châu Âu hiện tại đều sử dụng khối phòng ngự tầm trung cho đến tầm thấp qua cấu trúc 4-4-2, một cấu trúc cho phép họ khóa được khu vực trung lộ, bịt các hành lang trong, cũng như có đủ quân số để đối phó với các tiền đạo cánh giỏi rê dắt ở biên. 

Khối phòng ngự (defensive block) là một phần quan trọng trong cấu trúc phòng ngự tổng thể của một đội bóng. “Block” có thể được mô tả là không gian được tạo ra giữa tuyến đầu và tuyến dưới cùng – tức theo chiều dọc, và giữa những cầu thủ đứng xa nhất theo chiều ngang. “Block” càng chật hẹp thì không gian và thời gian chơi bóng mà đối phương có thể có sẽ ít đi. 

Dựa trên ý định tấn công của một đội bóng, chúng ta có thể chỉ ra các chức năng khác nhau của một cấu trúc phòng ngự. Ví dụ, một đội khi có bóng sẽ tấn công bằng cách đi xuyên qua khối phòng ngự, đi vòng qua khối phòng ngự, hoặc ra sau lưng khối phòng ngự. 

•    Che chắn, lấp được khoảng trống giữa tuyến dưới cùng và tuyến giữa (gap) sẽ ngăn không cho đối thủ đi xuyên qua khối phòng ngự;

•    Các tuyến di chuyển đồng bộ theo chiều dọc, nhấc lên và lùi xuống nhịp nhàng đúng thời điểm sẽ ngăn không cho đối thủ ra sau lưng khối phòng ngự, tức ngăn đối thủ khai thác khoảng trống sau lưng tuyến dưới cùng;

•    Khi đối thủ không thể đi xuyên cũng như không thể ra sau lưng khối phòng ngự, họ sẽ phải tìm cách đi vòng qua. Bấy giờ, bảo vệ hai góc ở khối phòng ngự (corner) trở nên cực kỳ quan trọng. Điều này đòi hỏi tuyến giữa và tuyến dưới cùng phải dịch chuyển tức thì theo chiều ngang sân, đảm bảo quân số ít nhất cân bằng trước nhân sự tấn công ở hai biên của đối thủ, đồng thời các cá nhân phòng ngự ở góc phải đảm bảo vị trí hợp lý để vừa bảo vệ góc, vừa không để lộ ra khoảng trống giữa hai tuyến (gap). Chỉ cần giữ đối phương có bóng loay hoay ở trước mặt, góc của khối phòng ngự được an toàn. 

Những nguyên tắc cơ bản về việc tổ chức khối phòng ngự đó đã được các cầu thủ Arsenal thấm nhuần và thực hiện ngay từ trong hiệp một: cự ly giữa các tuyến chặt chẽ; di chuyển đồng bộ theo chiều dọc lẫn chiều ngang sân; luôn có nhân sự chủ động đánh dập hoặc theo kèm người nếu City tìm cách tấn công vào các ngách, nách hoặc giữa hai tuyến; không để hậu vệ cánh rơi vào thế 1v1 trước những Savinho hay Doku.

Trong hiệp hai, với 10 nhân sự, Arteta quyết định đổ bê tông thông qua cấu trúc 5-4-0 khi Ben White được đưa vào sân ngay từ đầu để thay thế Saka. Và dần dần trong quãng thời gian còn lại của trận đấu, cấu trúc ấy chuyển thành 6-3-0 cực đoan, với việc Martinelli ở cánh phải lui về ở line thủ. 

Arsenal thoải mái với việc chấp nhận tuyến giữa (mà giờ đây là tuyến cao nhất) chỉ có 3 nhân sự, bởi đội khách không muốn line thủ của mình bị kéo giãn, từ đó có thể hở ra những khoảng trống giữa các hậu vệ (channel). Tuyến giữa mỏng người có thể dẫn tới việc Arsenal không đủ nhân sự cho các tình huống đoạt bóng hai hoặc ngăn cản những pha dứt điểm từ xa của City, song có lẽ Arteta hiểu rằng khi City không còn có Rodri trên sân (vì chấn thương ở hiệp một), phương án đó của chủ nhà sẽ thui chột đi đáng kể. 

Man City – quá trung thành với triết lý?

Quá dễ để nhận thấy trong hiệp hai, City bế tắc thế nào trước khối phòng ngự 5-4-0 hoặc 6-3-0 của Arsenal. Chủ nhà đúng là có thể ghì đội hình Pháo Thủ xuống cực thấp, thoải mái luân chuyển bóng, nhưng gần như là chỉ ở vòng ngoại, nghĩa là những đường chuyền của City vô hình tạo thành một khối chữ U vô hại.

Có một chi tiết đáng chú ý khác về cấu trúc khi có bóng của City. Nếu như trong hiệp một, đó là 3-1-3-3 (hoặc 3-1-6), thì trong cả hiệp hai vẫn vậy, bất chấp Arsenal chỉ còn có 10 người. Bất kể những phương án nhân sự có được Pep thực hiện, cấu trúc tấn công ấy vẫn không đổi, chỉ có vị trí một vài nhân sự là được điều chỉnh. 

Chỉ ra sự bất biến trong cấu trúc tấn công của City để làm rõ một điểm: Pep luôn giữ nhóm cầu thủ dưới bóng (tức khối rest-defence) qua khối 3-1, gồm Akanji – Dias – Walker – Kovacic (sau những phương án thay người thì là (Gvardiol – Dias – Akanji – Kovacic). Ngoại trừ một vài tình huống Savinho, Doku di chuyển cắt chéo tìm đường vào trung lộ từ biên, rồi sau đó là sự có mặt của Foden từ phút 70 trở đi, hầu hết các cú sút từ bên ngoài vùng cấm mà City tạo ra trong hiệp hai đến từ chính nhóm cầu thủ phòng ngự dưới bóng. Trong số này, rõ ràng chỉ có Walker là có khả năng sút xa tốt.

Trong hiệp hai, thống kê chỉ ra City chỉ có tổng cộng 15 quả tạt, tính luôn những tình huống tạt bóng từ phạt góc. Con số đương nhiên áp đảo của Arsenal, song lại là không hề cao trong một thế trận mà theo quan niệm chung của tất cả thì đội có lợi thế hơn người sẽ phải tìm cách để nhồi bóng liên tục vào vùng cấm của đối thủ chơi đổ bê tông. 

Ngoài ra, trong 6 quả đá phạt góc được hưởng, chỉ đúng 1 lần City tìm cách đá phạt bổng, đưa quả bóng trực tiếp vào vùng cấm Arsenal. Còn lại, đều là những quả phạt góc phối hợp ngắn. 

Và, ở mọi tình huống bóng cố định được hưởng, City đều đưa bóng nhập cuộc nhanh hết mức có thể. 

Sút xa không lợi hại, tạt bóng hạn chế hết mức có thể, đá phạt góc chủ yếu phối hợp nhỏ: Rõ ràng, đấy không phải là những phương án thường thấy trong một thế trận kiểu này. Nhưng đó là triết lý bóng đá của Pep. Ông luôn chủ trương và kiên định với một lối đánh: tìm cách tấn công qua trung lộ hoặc các hành lang trong, bất chấp đối thủ có chất đông quân số ở những khu vực ấy như thế nào.

Tất cả những điểm mà đáng lẽ ra cần được thực hiện tới tấp và liên tục trong hiệp hai, nhưng lại tỏ ra hạn chế ấy, đều được Pep lý giải trong phần họp báo sau trận:

“Arsenal cân bằng quân số tuyến thủ trước tuyến tấn công của chúng tôi bằng 5-6 cầu thủ, vậy nên chỉ còn phương án Kovacic hoặc Ruben sút xa, nhưng họ lại không giỏi khoản đó. Nếu là Rodri thì có thể đã khác.” 

“Tôi cũng đã nghĩ đến phương án bố trí Ruben đá phải nhưng rồi tôi cảm thấy không chắc, thế nên tôi mới trì hoãn việc thay Kyle, vì Kyle rất giỏi ở khoản sút xa và tạt bóng. Nhưng như tôi có nói rồi đó, nếu tạt bóng thì ngoại trừ Erling Haaland và có lẽ là John Stones trong khoảng 15-20 phút cuối trận, các cầu thủ còn lại của chúng tôi đều không mạnh không chiến bằng Arsenal. Khoảng trống chỉ có vậy, do đó rất khó tấn công.”

“Song điều quan trọng nhất là những gì chúng tôi đã làm mỗi khi mất bóng, khi Raya có được lại bóng, với những đường bóng dài cậu ấy chuyền đến Havertz, chúng thật sự nguy hiểm. Arsenal luôn sẵn sàng cho những tình huống bóng hai trước mặt, hoặc những tình huống bóng hai ra sau lưng hàng thủ chúng tôi, thông qua những máy chạy như Timber, hoặc Martinelli.” 

“Trong những tình huống như thế, chúng tôi đã không phạm lỗi. Vì nếu phạm lỗi trong những tình huống bóng hai đó là sẽ mất thêm thời gian dừng trận đấu, chúng tôi đã không mắc phải chúng quá nhiều. Chúng tôi đã rất khôn ngoan, khéo léo trong việc đọc những tình huống như thế.”

“Tôi biết là chúng tôi được hơn người, nhưng thành thật phải chúc mừng Arsenal. Vì tinh thần của họ quá vững vàng, họ tìm cách khóa chặt chúng tôi, ngăn chặn các pha dứt điểm trong suốt một thời gian dài, tới 45 phút. Làm được vậy đâu có dễ! Đồng thời, chúng tôi cũng đã cho thấy sự kiên trì, nhẫn nại.”

Pep không muốn tạo ra sự hỗn loạn của thế trận bằng những miếng đánh mà dường như theo quan niệm chung là cần được áp dụng trong hiệp hai trước Arsenal. Những quả tạt, những tình huống bóng bổng hay không chiến đối với ông là những đường bóng ít chịu sự toan tính, hay 50-50 và nhất là sẽ có thể khiến tính liên tục của trận đấu bị đánh mất nếu như có va chạm diễn ra. Trong bối cảnh Arsenal dẫn bàn, Pep không muốn trao điều kiện cho đối thủ làm gián đoạn trận đấu.

Việc Arsenal thoải mái với việc chấp nhận tuyến giữa mỏng người để tăng cường nhân sự ở line thủ như đã chỉ ra ở trên, còn liên quan đến một nguyên tắc bất di bất dịch nữa của Pep: các tiền đạo cánh kéo giãn biên. Đó là một điểm quan trọng trong triết lý bóng đá định hướng vị trí (positional play) mà Pep theo đuổi. Những tiền đạo cánh có thể tạo ra đột biến ở biên qua những tình huống rê dắt, nhưng họ làm điều đó ở biên và không có chuyện Pep bố trí những cầu thủ này vào trung lộ. Họ cần neo vị trí ở biên, khiến hàng thủ đối phương phải tốn nhân sự theo kèm, giúp mở ra những khoảng trống ở nách trung lộ hoặc trung lộ cho các cầu thủ khác khai thác. 

Ở biên, các tiền đạo cánh này trở thành những điểm nhận trong các pha chuyển hướng tấn công. Song, khi Arsenal đổ bê tông với line thủ 5-6 người, những pha chuyển hướng của City cũng không còn hiệu quả.

Exit mobile version