Site icon MKSPORTS

Real Madrid đã xây dựng dải ngân hà đời mới của họ như thế nào?

Thumb_Real

Quả thật đội ngũ nhân sự mà Real Madrid đang sở hữu có sức hút quá lớn. Hệ thống mới của Carlo Ancelotti sẽ bao gồm một hàng công có Kylian Mbappé ở vị trí trung phong, còn hai bên cánh là Vinicius Junior và Rodrygo. Phía sau họ là Jude Bellingham và Federico Valverde, còn Aurelien Tchouameni thì chơi tiền vệ mỏ neo.

Hai trận đấu đầu tiên của Real Madrid ở La Liga mùa giải mới đã cho thấy một số vấn đề ban đầu, nhưng câu hỏi về cách triển khai tốt nhất dành cho một đội hình toàn sao như vậy là một cơn đau đầu mà mọi vị HLV đều muốn trải qua – và kể cả khi mọi phương án đều thất bại, thì trên băng ghế dự bị của Real Madrid vẫn còn những tài năng đầy thú vị là Endrick, Arda Guler và Brahim Diaz.

Sức mạnh tấn công của Real Madrid thật ấn tượng, và câu chuyện về kế hoạch và chiến lược đằng sau nó cũng vậy. Thậm chí chắc chắn bạn sẽ càng cảm thấy kính nể hơn nữa khi biết rằng Los Blancos chẳng phải là đội bóng chi tiêu nhiều nhất trên thị trường chuyển nhượng. 

Sau đây chính là câu chuyện về quá trình xây dựng “Dải Ngân Hà” mới nhất của đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha.

KẾ HOẠCH

Mùa hè năm 2009, Florentino Perez lần thứ hai trở thành chủ tịch Real Madrid với mục tiêu đưa CLB này trở lại với vị thế giống như hồi đầu thế kỷ, tức nhiệm kỳ trước đó của ông – một vị thế được vị chủ tịch này xem là đỉnh cao của thế giới. Để làm được điều đó, Perez  đã phê duyệt một khoản chi lên đến 250 triệu Euro cho các bản hợp đồng như  Cristiano Ronaldo, Kaka, Karim Benzema và Xabi Alonso.

Giờ đây nhìn lại, mùa hè đó mới đích thực là đỉnh cao của khái niệm Galactico của Real Madrid. Chúng ta thường có khuynh hướng liên tưởng thuật ngữ này với kỷ nguyên của Luis Figo, Zinedine Zidane, Ronaldo Nazario và David Beckham – nhưng bọn họ không gia nhập Real Madrid cùng một lúc mà là dàn trải trong 4 năm liên tiếp (theo thứ tự đó) từ năm 2000 đến 2003, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Perez.

Trong các chiến dịch sau khoản chi khổng lồ của năm 2009, Madrid chỉ có một lần vung tiền mạnh tay hơn thế trên thị trường chuyển nhượng – 361 triệu Euro vào mùa giải 2019-20, sau khi trắng tay trong mùa giải đầu tiên của kỷ nguyên hậu Cristiano Ronaldo. Điều đó có thể khiến cho mọi người lầm tưởng rằng Los Blancos là một đội bóng có khuynh hướng chi tiền thả phanh, nhưng thực tế là tính từ năm 2009, mức chi tiêu ròng bình quân của CLB này cho thị trường chuyển nhượng chỉ là 39,1 triệu Euro mỗi mùa.

Trong khoảng thời gian này, một chiến lược mới do Perez và CEO Jose Angel Sanchez phát triển đã bắt đầu hình thành, chịu ảnh hưởng nặng bởi 2 yếu tố chính: Sự nổi lên của các thế lực hùng mạnh mới tại châu Âu được hậu thuẫn bởi túi tiền vô hạn của các ông trùm dầu mỏ, chẳng hạn như Manchester City và Paris Saint-Germain, và sự giàu có mà các CLB Anh được thụ hưởng nhờ những thành công vượt bật về mặt thương mại của Premier League. Những yếu tố này cũng giải thích lý do tại sao Real Madrid ủng hộ nhiệt tình dự án European Super League.

Real Madrid phải làm quen với vị thế mới – họ chẳng còn là đội bóng chiếm ưu thế nhất trên thị trường chuyển nhượng nữa. Đối mặt với khó khăn ngày càng tăng trong việc ký hợp đồng với những ngôi sao lớn nhất (gần như) mỗi mùa hè, CLB này đã chuyển sang ký hợp đồng với những tài năng trẻ, sớm hơn một hoặc hai bước trong quá trình phát triển của họ, rồi hoàn thiện việc định hình họ ở Tây Ban Nha.

Nhiều thành viên trong đội hình Real Madrid hiện tại đã được mang về theo cách này: Federico Valverde (5 triệu Euro vào năm 2015); Vinicius Jr (40 triệu Euro vào năm 2017); Rodrygo (45 triệu Euro vào năm 2018); Andriy Lunin (8,5 triệu Euro cộng thêm các khoản phụ phí vào năm 2018); Brahim Diaz (15 triệu euro cộng thêm các khoản phụ phí vào năm 2019); Eder Militao (50 triệu euro vào năm 2019); Eduardo Camavinga (31 triệu euro cộng thêm các khoản phụ phí vào năm 2021); Endrick (35 triệu euro cộng thêm 25 triệu euro phụ phí vào năm 2022); và Guler (20 triệu euro cộng thêm các khoản phụ phí vào năm 2023).

Real Madrid cũng đã bắt đầu quan tâm hơn nhiều tới việc tìm kiếm các “cơ hội thị trường” – tức là những ngôi sao mà họ có thể mang về với mức phí chuyển nhượng thấp hơn nhiều so với giá trị thực, hoặc thậm chí là theo dạng chuyển nhượng tự do.

Đội hình hiện tại của Los Blancos cũng đang có nhiều cầu thủ được đưa về như thế. Thibaut Courtois gia nhập với mức phí chuyển nhượng 35 triệu Euro vào năm 2018; trong khi đó, David Alaba, Antonio Rudiger và Mbappé đều đến CLB này với tư cách những cầu thủ tự do vào các năm 2021, 2022 và 2024 sau khi từ chối gia hạn hợp đồng với các CLB trước đó của họ (Bayern Munich, Chelsea và PSG) — và mỗi người đã nhận được một khoản phí lót tay (trong trường hợp của Mbappé là một khoản phí đáng kể).

ĐỘI NGŨ TUYỂN DỤNG

Juni Calafat – người đã gia nhập Real Madrid vào năm 2013 và hiện đang là trưởng bộ phận trinh sát – là một nhân vật chủ chốt trong câu chuyện này. Bộ kỹ năng, lý lịch và cách làm việc của ông đã giúp Real Madrid đạt được những thứ họ muốn.

Calafat, sinh ra ở Tây Ban Nha nhưng đã dành phần lớn thời thơ ấu ở Sao Paulo, được những người làm việc với ông và hiểu ông nhất mô tả là “bị ám ảnh với bóng đá”. Ông đứng đầu một mạng lưới tuyển trạch viên trải rộng khắp thế giới. Nhiều người trong số họ xuất thân từ lĩnh vực truyền hình, và đó cũng là môi trường đã giúp Calafat bắt đầu xây dựng nên tên tuổi trong tư cách một nhà báo kiêm chuyên gia phân tích của chương trình Fiebre Maldini, cũng nhờ công việc này mà ông đã tạo dựng được nhiều mối quan hệ quan trọng trong giới bóng đá. Kiến thức của Calafat về bóng đá Nam Mỹ nói riêng đã giúp ông nhận được nhiều sự ngưỡng mộ và kiếm về cho ông một vị trí trong đội ngũ tuyển dụng của Real Madrid.

Một trong số những cái tên đầu tiên mà Calafat đề xuất với CLB này là Casemiro.

Những trợ thủ của Calafat sẽ thay ông theo dõi các trận đấu ở mọi ngóc ngách trên thế giới và sau đó lập báo cáo chi tiết gửi về cho ông. Khi phát hiện ra một cầu thủ có thể nhận định là “một tài năng vượt trội của thế hệ cậu ta” – cụm từ thường được dùng tại CLB – Calafat sẽ tiếp tục báo lên cấp trên, đặc biệt là Jose Angel Sanchez. Tới giai đoạn này, cầu thủ đó đã được ông trực tiếp theo dõi và, thông thường, các báo cáo lên cấp trên của ông sẽ được gắn nhãn “FICHAR” (phải ký hợp đồng).

Đây cũng là lúc mà Calafat bắt đầu tiếp cận gần gũi hơn với cầu thủ kia, môi trường của anh ta, cả về mặt chuyên môn (công ty đảm nhận công tác đại diện của anh ta) và cá nhân (gia đình, bạn bè của anh ta). Những khám phá của Calafat sẽ giúp Real Madrid nắm bắt được tính cách và phong cách làm việc của cầu thủ này – những yếu tố đôi khi cũng quan trọng không kém gì việc theo dõi tài năng trên sân đấu hoặc phân tích các dữ liệu phía sau tài năng đó.

Nhiều cầu thủ, các thành viên trong gia đình họ và những người đại diện của họ đánh giá rất cao phong cách làm việc của Calafat – vì ông cũng biết cách chiếm được tình cảm của họ nữa – bởi quan niệm nó thường giúp Madrid đi trước các đối thủ một bước.  

Đội ngũ của Calafat đã đạt được uy tín lớn đến mức trong những năm gần đây, một số thành viên trong đó đã được nhiều CLB khác săn đón rầm rộ, chẳng hạn như khi Gonzalo Novillo gia nhập Real Betis hoặc Paulo Xavier (một trợ thủ đắc lực của Calafat ở Brazil) chuyển đến Arsenal, cả hai đều vào năm 2023. Bản thân Calafat cũng đã nhận được nhiều lời dò hỏi, chèo kéo từ các CLB Premier League.

Real Madrid cũng rất đỗi tự hào về chuyện đang có ngày càng nhiều các đội bóng khác bắt chước công thức tuyển dụng của họ, chuyển hướng trọng tâm sang tìm kiếm và ký hợp đồng với những tài năng trẻ từ Nam Mỹ, điển hình như các bản hợp đồng Julian Alvarez và Claudio Echeverri của Manchester City, Angelo Gabriel và Estevao của Chelsea.

Giai đoạn “nghiêm túc” trong quá trình chiêu mộ một cầu thủ sẽ thực sự bắt đầu khi Sanchez – được biết đến tại Madrid và trong giới bóng đá với biệt danh “JAS” – bắt tay vào cuộc. Ông cầm trịch các cuộc đàm phán và kiểm soát khía cạnh tài chính, đồng thời thường xuyên thông báo tình hình cho Perez, người sẽ chốt hạ quyết định cuối cùng.  

Tuy nhiên, Perez thường không nhúng tay quá sâu vào các thương vụ, trường hợp thương vụ Kylian Mbappé gần đây là một ngoại lệ, khi ông đóng một vai trò quan trọng trong việc giao thiệp với tiền đạo người Pháp trong giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán.

Khi phải cạnh tranh với những đối thủ có tài chính mạnh mẽ hơn trong các đề xuất hợp đồng gửi đến mục tiêu chuyển nhượng, Real Madrid có một thế mạnh cực quan trọng khác là khả năng trình bày những kế hoạch của mình đến cầu thủ mà họ theo đuổi.

CLB sẽ nêu rõ, nêu chi tiết dự án thể thao mà mình đã thiết kế cho cầu thủ đó, dẫn chứng những ví dụ đầy hấp dẫn về các cầu thủ đã đồng ý gia nhập đội và sau đó sự nghiệp được đưa lên một tầm cao mới, và giải thích lý do tại sao họ sẽ nhất quyết không lún sâu vào trò đấu giá với những đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là những đội bóng đến từ Premier League.

Chiến lược này đã thành công trong các thương vụ Tchouameni và Endrick vào năm 2022, sau đó tiếp tục phát huy tác dụng với Bellingham và Guler vào năm 2023 – những người đã quyết định gia nhập Real Madrid dù cho cũng nhận được các đề nghị hấp dẫn hơn về đãi ngộ từ những CLB khác – nhưng trong mùa hè này thì lại thất bại trong trường hợp Leny Yoro khi trung vệ này bất ngờ quyết định chơi cho Manchester United.

CÔNG TÁC QUẢN LÝ

Chắc hẳn bạn đã nhận thấy sự vắng mặt của một cái tên lớn từ đầu câu chuyện đến giờ: Carlo Ancelotti. Trên thực tế, đã rất lâu rồi người đảm nhận vai trò HLV trưởng tại Real Madrid không có quyền ra quyết định đối với chính sách chuyển nhượng của CLB. Trong trường hợp nhà cầm quân người Italy này, tuy ông được tham khảo ý kiến và thông báo về các động thái, nhưng vẫn chẳng hề có thay đổi gì về quyền lực.

Vào mùa hè năm 2023, khi Karim Benzema chuyển đến CLB Al Ittihad của Saudi Arabian, Ancelotti đã yêu cầu ban lãnh đạo ký hợp đồng với Harry Kane để thay thế tiền đạo người Pháp, nhưng CLB hầu như chẳng hề có động thái nào đối với tiền đạo này.

Vào tháng 1 năm 2024, trong bối cảnh hàng phòng ngự đang bị một cơn bão chấn thương càn quét, Ancelotti đã yêu cầu ban lãnh đạo đưa về một trung vệ, nhưng mong muốn này cũng chẳng được đáp ứng. Bất chấp sự ra đi của Nacho và thất bại trong vụ Yoro, có vẻ như chuyện tương tự sẽ xảy ra trong mùa hè này.

Rõ ràng là Madrid đã nhận định rằng các HLV trưởng sớm muộn gì cũng sẽ ra đi, nhưng dự án và ban quản lý gánh vác dự án vẫn sẽ ở lại. Trường hợp thương vụ Kepa Arrizabalaga vào năm 2018 là một bài học nhãn tiền đắt giá cho chuyện này.

Real Madrid đã có những bước tiến lớn trong nỗ lực chiêu mộ thủ môn này từ Athletic Bilbao vào tháng 1, nhưng HLV trưởng khi ấy là Zinedine Zidane đã bác bỏ hồ sơ của anh vì ông tin tưởng vào Keylor Navas và muốn giữ lại cậu con trai của mình, Luca Zidane, trong đội hình Los Blancos.

Khi mùa giải kết thúc, Zidane ra đi và ban lãnh đạo cảm thấy họ đã bỏ lỡ mất một cơ hội tuyệt vời để ký hợp đồng với Arrizabalaga, sau đó thủ thành này đã gia nhập Chelsea.

Nhưng dù sao đi nữa, Ancelotti chắc hẳn có thể nhận thức rõ ràng ông đang sở hữu trong tay một đội hình có khả năng làm nên lịch sử. Trên thực tế, sau khi cùng Real Madrid chinh phục Siêu Cúp Châu Âu hồi giữa tháng này, nhà cầm quân người Italy đã được các phóng viên yêu cầu so sánh dàn nhân sự hiện tại với năm 2014, khi ông giúp Los Blancos hoàn thành giấc mơ La Decima (chiếc cúp C1/Champions League thứ 10 trong lịch sử CLB) đồng thời giành chức vô địch Copa del Rey.

“Tôi từng bàn luận về chủ đề này với các thành viên của ban huấn luyện rồi, nhưng thật khó để so bì,” ông chia sẻ. “Đoàn quân của năm 2014 dĩ nhiên là quá tuyệt diệu, với sự hiện diện của Cristiano, Benzema và Gareth Bale, đó là một hàng công kiệt xuất. Điều không thay đổi là chất lượng đội hình của đội bóng này từ năm 2014 tới 10 năm sau chẳng hề đi xuống chút nào.”

Ở cấp độ ban lãnh đạo, họ đã khẳng định rằng Ancelotti có vai trò chủ chốt trong kỷ nguyên tuyển dụng mới này, vì ông hiểu rất rõ những gì CLB đang muốn đạt được, và ông sẵn lòng chấp nhận tình trạng thiếu hụt những bản hợp đồng mới. Điều đó đã được thể hiện rõ ràng ngay từ thời điểm nhà cầm quân này bắt đầu đàm phán với Real Madrid về việc trở lại dẫn dắt CLB này vào mùa hè năm 2021. 

Trong một trong những cuộc họp đầu tiên với Perez và Sanchez, Ancelotti đã cho biết ông hoàn toàn tin tưởng vào tiềm năng của Vinicius Jr. Khi ấy, sự phát triển của tài năng trẻ này đang bị đình trệ đáng kể dưới sự dẫn dắt của các HLV trưởng trước đó. Ba năm sau, ngôi sao người Brazil đã ghi bàn trong 2 trận chung kết Champions League và hiện đang là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua Quả Bóng Vàng.

Đối với Bellingham, Ancelotti đã sáng tạo ra một vai trò mới cho anh vào mùa giải trước và hiện ngôi sao người Anh cũng đang là một ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Giờ đây, nhà cầm quân người Anh sẽ phải “tái tạo” Bellingham thêm lần nữa, với một vai trò thiên về khu trung tuyến hơn. 

Dĩ nhiên là cũng đã có những thất bại xảy ra. Ví dụ, tiền vệ tấn công người Brazil, Reinier Jesus, đã được Real Madrid chiêu mộ vào năm 2020 với mức phí chuyển nhượng 30 triệu Euro ở tuổi 22, nhưng cho đến nay vẫn chưa có trận ra mắt cho đội một Los Blancos, và giờ đây cũng chẳng hề có dấu hiệu nào cho thấy tương lai của anh tại CLB này sẽ trở nên sáng sủa hơn. Có lẽ nỗi thất vọng lớn nhất chính là Luka Jovic, tiền đạo được đưa về với mức phí chuyển nhượng tới 60 triệu Euro trong mùa hè mua sắm mạnh tay 2019, nhưng sau đó hoàn toàn biến thành một quả bom xịt.   

KẾT LUẬN

Về mặt kinh tế, Real Madrid là tấm gương về một CLB có khả năng quản lý xuất sắc. Điều này được phản ánh rất rõ rệt trong các báo cáo tài chính của họ, chúng cho thấy CLB này chẳng phải chịu bất kỳ khoản lỗ nào bất chấp đại dịch COVID-19 hoặc chi phí khổng lồ của dự án tái thiết Santiago Bernabeu. Ngay cả Javier Tebas – chủ tịch La Liga và là một nhân vật bị Real Madrid công khai coi là kẻ thù – cũng phải khen ngợi họ trong khía cạnh này.

Về mặt thể thao, với 20 danh hiệu đã giành được kể từ năm 2010, bao gồm 6 chức vô địch Champions League và 5 chức vô địch quốc gia Tây Ban Nha, thành tích của Real Madrid cũng quá đáng nể.

Với 2 yếu tố này, kế hoạch hiện nay của CLB chủ sân Santiago Bernabeu là tiếp tục làm thật tốt những gì họ đang làm – đồng thời luôn chú ý đến các kịch bản mới có thể xảy ra và những thay đổi có thể xuất hiện trong ngành này.

Theo Mario Cortegana, The Athletic

Exit mobile version